PSO – Không chỉ chú trọng niềm tin, đạo Phật còn chú trọng Giáo dục; hay nói một cách khác, Giáo dục dẫn đến Trí tuệ. Trí Tuệ là nền tảng căn bản để đạt đến mục đích Giác ngộ và Giải thoát, không phải là vô minh hay chỉ dựa vào niềm tin; muốn có Trí tuệ, thực tế rõ ràng nhất là mỗi người xuất gia, ngoài tu tập thì cần phải trau dồi kinh nghiệm và học tập tốt trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, bởi Phật pháp không rời thế gian pháp.
Để trang bị cho chư Ni hoàn thành vai trò “Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng.” Ban chức sự tại 2 hạ trường chùa Bạch Liên và chùa Giác Hoa đã tạo điều kiện để chư Ni hành giả được tham gia đầy đủ Khóa bồi dưỡng kiến thức Trụ trì 2023 do BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tổ chức từ ngày 20/6/2023 – 04/7/2023. Đây là một chương trình Phật sự có ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ đó, người xuất gia được trưởng dưỡng Đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh.
Sáng ngày 20/6/2023, Sau lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Giác Nghi – UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tổ chức, các học viên đã đại diện thành kính dâng niềm tri ân và phát nguyện quyết tâm học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để làm tròn bổn phận, trách vụ của một tu sĩ thời hiện đại nói chung và Trụ trì nói riêng để không phụ ơn giáo dưỡng của quý chư Tôn đức Lãnh đạo cùng chư vị trong Ban Giảng huấn đã trở về đây để giảng dạy.
Cũng trong buổi sáng này, Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã triển khai cho các học viên về Quy chế hoạt động của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ IX (2022-2027). Đồng thời, Hòa thượng cũng dành thời gian để hướng dẫn Tăng Ni cách thức tổ chức Giới đàn và An cư Kiết hạ đúng pháp… Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh tư cách của một người làm Thầy chuẩn mực trong việc hoằng dương chánh pháp, truyền giới và độ đệ tử.
Ngày thứ hai của khóa học, Ths.Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã có một ngày trình bày chuyên đề “Bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Qua đó, Cô đã nói lên được những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị Di sản Văn hóa Phật giáo, để Tăng Ni, Phật tử là những người có trách nhiệm gìn giữ giá trị Văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo luôn có phương pháp, cách thức suy nghĩ đúng đắn và hợp lý để bảo vệ Di sản của mình.
Chuyên đề “UNESCO là gì ? Các giá trị Văn hóa và Di sản Văn hóa” được GS.TS.Nguyễn Tấn Anh – Chuyên gia về UNESCO chia sẻ vào buổi sáng ngày 22/6/2023. Ông giải thích UNESCO là gì, và những vấn đề được đặc biệt quan tâm của UNESCO. Cuối buổi thuyết trình, ông nhấn mạnh, UNESCO đã công nhận Phật giáo là một tôn giáo của hòa bình (và chỉ duy nhất Phật giáo được công nhận điều này). Với những cống hiến to lớn của Đạo Phật cho hòa bình va gia tài văn hóa – tinh thần của nhân loại, Đại lễ Vesak – lễ mừng Đức Phật ra đời, thành đạo và Niết bàn được UNESCO chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội của Tôn giáo Thế giới.
Kết thúc mỗi buổi học, Thượng tọa Phó ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, luôn có lời cảm tạ chân thành nhất tới Hòa thượng Phó trưởng Ban Tăng sự Trung ương và quý thầy cô thuyết trình viên đã có những buổi giảng, buổi chia sẻ vô cùng sâu sắc và lắng đọng, giúp cho quý Tăng Ni tỉnh nhà có đầy đủ kiến thức hiểu biết về Quy chế của Giáo hội và các giá trị Văn hóa Phật giáo cần được bảo tồn.
Sau 3 buổi học về bảo tồn và phát huy các giá trị Văn hóa Phật giáo và UNESCO, toàn bộ chư Ni tham dự khóa học đã được Trung tâm UNESCO Nghiên Cứu Bảo Tồn Văn Hóa Tôn Giáo Và Tín Ngưỡng Việt Nam, do ông Nguyễn Thanh Xuân là Giám đốc Trung tâm, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học của Trung tâm này.
Một số ảnh ghi nhận:
Tin: Huệ An, Ảnh: Nghĩa Trường