Bài Học Từ Chư Ni Tiền Bối

22

Bài Học Từ Chư Ni Tiền Bối

  1. Mở đầu

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, hoạt động Ni giới Phật giáo Việt Nam có nhiều thuận lợi, được biểu hiện qua những hội thảo thường kỳ hàng năm nhân Lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Kiều Đàm Di: Bình Dương 2017; Đồng Nai 2018; Tiền Giang 2019 và nay tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021<sup>1</sup>. Nội dung tham luận của các kỳ hội thảo đều đề cập đến chư Ni tiền bối, đồng thời cũng nêu lên những tấm gương của quý Ni trưởng, Ni sư đang gánh vác nhiều trọng trách của Giáo hội, những người đã dành trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, nhằm xiển dương và làm tấm gương cho thế hệ kế thừa. Trong số các bậc Ni tiền bối ấy, bản thân tôi thường hoài niệm về một số vị cùng thời với Sư trưởng Như Thanh, cùng làm việc và tham gia thành lập Ni bộ Bắc tông.

Từ trước đến nay, khi nhắc đến Ni bộ Nam Việt, sau đó đổi tên là Ni bộ Bắc tông, nhiều người thường đề cập chủ yếu là Sư trưởng Như Thanh, ít có hoặc chưa đề cập nhiều đến Sư bà Diệu Ninh (chùa Vĩnh Bửu – Bến Tre), Sư bà Liễu Tánh (Phật Bửu Ni Tự – Tiền Giang), Sư bà Huyền Học (chùa Bình Quang – Phan Thiết). Bản thân tôi nhận thấy rất có lỗi. Đó là những Trưởng lão Ni đắc lực bên cạnh Sư trưởng Như Thanh. Hôm nay, nhân tọa đàm này, tôi muốn nhắc lại những ý tưởng theo tôi là nổi bật nhất của chư vị Ni tôn túc, trước là để tri ân báo ân, sau nữa lấy đó làm tấm gương tiêu biểu trong việc hành trì của tôi và của chư Ni nhiều thế hệ kế tiếp.

  1. Hồi ức về những tấm gương Trưởng lão Ni tiêu biểu

2.1. Sư trưởng Như Thanh

Sư trưởng Như Thanh (1911- 1999) thế danh Nguyễn Thị Thao, pháp hiệu Đàm Thanh, húy Hồng Ân, tự Diệu Tánh.

Từ xưa đến nay, mọi người đều nói về Sư trưởng rất nhiều và đầy đủ. Sư trưởng luôn nghĩ đến đàn hậu tấn. Ngày xưa, được ở gần Sư trưởng, Ngài từng kể cho tôi nghe rằng: Sau khi Ngài đi học trở về miền Nam, muốn làm sao có được một ngôi chùa, để thành lập tổ chức cho Ni giới, giúp Ni giới không bị mai một, để không thua chư Tăng về sức học. Vì xưa nay Ni chỉ làm việc, nấu cơm ở dưới bếp, chư Tăng đều ở trên; không để Ni đi lang thang, Ni phải có một chỗ đứng. Như vậy, điều tiên quyết là nhất định phải có chùa để lo cho chư Ni. Thứ hai, Sư trưởng muốn tất cả chư Ni sau khi từ trường trở về đều phải lo được cho Ni chúng. Sư trưởng không chịu để cho các vị đó ở am, ở cốc. Nét nổi bật của Sư trưởng chính là luôn lo cho công việc chung. Khi các Ni trưởng, Ni sư đến đảnh lễ Sư trưởng, Người hỏi thăm, hễ ai trình bày là đang ở chùa, có chúng, sinh hoạt chùa chiền… Sư trưởng rất vui, còn ai nói rằng đang ở thất là Sư trưởng không chịu.

Sư trưởng có rất nhiều điều để chúng ta học và noi theo, như việc Sư trưởng thường hay nâng đỡ Ni giới học tập. Người thường nói: Ni giới chịu thiệt thòi nhất. Sở dĩ có ngôi trường Kiều Đàm tại đây (chùa Huê Lâm) là để dạy những chúng Ni đang ở trình độ thấp. Tại nhiều chùa, Thầy Tổ không cho chúng Ni đi học, chỉ cho ở chùa lao tác, nên Sư trưởng muốn họ được học. Họ phải học xong ở đây, sau đó mới được học bên ngoài. Trường Kiều Đàm ngày đó dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp 9.

Bản thân tôi đã tiếp thu được hạnh Bồ tát từ Sư trưởng, vì lúc nào cũng vậy, tôi may mắn luôn được cận kề Người. Khi xưa còn nhỏ, tôi chưa hiểu chuyện, nên mỗi khi thấy Sư trưởng xử lý một việc gì đó mà lòng nổi lên bất bình, tôi thường chờ đến lúc Thầy xong việc, thoải mái, mới thưa chuyện: “Thưa Thầy, nếu sau này con được làm Thầy như Thầy, có đệ tử, con không xử như vậy, mà con sẽ xử khác… ” Thầy nói: “Vì con chưa làm Thầy, nên con không thể hiểu được Thầy. Chỉ khi con làm Thầy rồi, con mới thấy thương Thầy.” Lúc đó, mới đôi mươi, chưa hiểu chuyện, nên tôi chỉ muốn ngay thẳng mà phân xử, nhưng Sư trưởng nói: “Không được, mình phải thể hiện hạnh Bồ tát, không nên làm như vậy!”

Hiện giờ, khi đang ở vào vị trí lãnh đạo Ni chúng, những gì nổi bật nhất của Sư trưởng mà tôi cần tiếp thu và thực hiện đây? Mãi mãi tôi vẫn không quên hạnh Bồ tát mà Sư trưởng đã dạy tôi!

Có lần tôi thưa thỉnh vì nghe có vị nói Sư trưởng làm việc có thân bằng quyến thuộc. Sư trưởng nói: “Thần linh nhờ bộ hạ. Nếu các con không phụ, thì Thầy cũng không làm được việc, cũng như một bàn tay, phải có các ngón tay vậy!” Thầy cũng thường dạy chúng: “Mấy con đi ra ngoài tụng niệm, đi chỗ này chỗ kia, giao thiệp, dẫn đệ tử về là phải quy y với Thầy, mấy con không được nhận đệ tử, Thầy cũng không có đi nhận.”

Sau này, Ni trưởng Như Đức đã có nhận định về Sư trưởng với tấm lòng cung kính và trung thực rằng: “Sư trưởng Như Thanh là vị lãnh đạo tinh thần của Ni chúng miền Nam, là một thạch trụ vững vàng nhất trong suốt dòng lịch sử phát triển Ni bộ Bắc tông.”

2.2. Sư bà Diệu Ninh

Sư bà Diệu Ninh (1914 – 1984), thế danh Vương Thị Kiến, pháp danh Hồng Huệ, Diệu Ninh, là người Trà Vinh. Năm 1930, lúc Sư bà 17 tuổi, xuất gia với Hòa thượng Như Nhiêu chùa Thành Xuân. Về chùa Vĩnh Bửu (Bến Tre) năm 1940, Sư bà công quả việc cất chùa và tạo vườn gây huê lợi. Năm 1946, do chiến tranh nên Hòa thượng Khánh Hòa phải giải tán lớp học Ni, giao trách nhiệm trụ trì chùa Vĩnh Bửu cho Sư bà. Nhận thấy vùng quê thiếu thốn về thuốc men, giáo dục, Sư bà vận động mở trạm y tế, lập trường học miễn phí, lập nhà bảo sanh giúp đỡ dân chúng. Năm 1951, Sư bà nhập hạ tại trường hạ Giác Nguyên, nhân dịp đó gặp gỡ Sư trưởng chùa Huê Lâm và quý Sư bà cùng có ý định xây dựng đoàn thể Ni giới.

Sư bà là người phát tâm đi vận động cho Sư trưởng rất nhiều. Bất cứ việc gì Sư trưởng đưa ra, Sư bà đều hưởng ứng và đi vận động. Việc gì cũng cần phải có người hợp tác, ủng hộ, thấy việc đó cần phải làm, mới đi vận động. Sư bà rất nhiệt tình và cùng ý tưởng với Sư trưởng.

2.3. Sư bà Liễu Tánh

Sư bà Liễu Tánh (1916 – 1982) thế danh Lâm Trường Nguyên, người tỉnh Tiền Giang, xuất gia năm 12 tuổi với Hòa thượng Chí Thiền, được đặt pháp danh là Diệu Tánh. Năm 20 tuổi, thọ Tỳ kheo ni. Sư bà học nội điển tại chùa Phước Trường (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), sau đó Sư bà được gửi ra Huế học tại Ni viện Diệu Đức 4 năm. Trở về quê nhà, Sư bà được Hòa thượng Pháp Tạng ban pháp danh Nhựt Trinh, Phổ Tiết, hiệu Liễu Tánh. Được đào luyện và thọ giới với chư Hòa thượng danh tiếng, đến năm 30 tuổi, Sư bà đã có uy tín và đức độ để hoằng pháp. Khi Sư trưởng Như Thanh xuống các tỉnh miền Nam để vận động thành lập Ni bộ, Sư trưởng đã đến Phật Bửu Ni Tự và đã gặp Sư bà đầu tiên. Trong Đại hội tại chùa Huê Lâm năm 1956, Sư bà được đề cử làm Phó Ni trưởng Ni bộ Nam Việt và Trưởng ban Ni bộ tỉnh Định Tường. Nhiệm kỳ đầu tiên của Ni trường Dược Sư, Sư bà được giao chức quản lý Ni trường.

Điều mà tôi học hỏi được ở Sư bà Liễu Tánh chính là sự nhiệt tình và niềm tin kiên cố đối với Đạo pháp.

2.4. Sư bà Huyền Học

Sư bà Huyền Học (1920 – 1995), ở chùa Bình Quang (Phan Thiết), là đệ tử của Sư bà Hồng Thọ, Diệu Tịnh, có pháp danh Nhựt Tân, tự Huyền Học, là Vụ trưởng thứ nhất Ni bộ Bắc tông (1964), Giám viện của Ni trường Dược Sư năm 1968.

Trước khi làm Vụ trưởng Ni bộ, Sư bà đã từng là Tổng Thư ký của Giáo hội sơn môn tỉnh Bình Thuận, là giảng sư và giáo thọ Ni uy tín của Bình Thuận. Khi nhận chức Vụ trưởng, Sư bà vào chùa Từ Nghiêm để cùng với quý Sư bà điều hành sinh hoạt Ni chúng cả hai miền và sinh hoạt của riêng Ni trường Từ Nghiêm. Năm 1993, Sư bà được đề cử là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tôi học được từ Sư bà việc giáo huấn, hướng dẫn Ni chúng sinh hoạt theo kỷ luật nghiêm minh; từ sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm với Ni bộ. Theo tôi, đây là những tính cách cần có của một người lãnh đạo Ni chúng.

  1. Những bài học từ chư Trưởng lão Ni tiền bối

Trong hoạt động của chư Ni tiền bối được nêu trên, mỗi vị đương nhiên có những thế mạnh khác nhau. Nhiều người cũng đã nêu cao tấm gương đạo hạnh của quý Ngài để tôn vinh cho các thế hệ sau học tập. Bản thân tôi khi nhắc về chư Tôn túc đã rút ra được nhiều bài học bổ ích.

– Thứ nhất, khi thực hiện một việc gì, cần có sự chung sức, đồng tình của nhiều người, đó là những đức hạnh rất cao quý. Quý Ngài luôn phục vụ cho Ni giới, không lo việc riêng tư, mặc dù các chư Ni đều có chùa riêng. Chùa Từ Nghiêm có được là do Sư trưởng Như Thanh và quý Sư bà hợp tay. Nếu không có các vị này phụ lực, Sư trưởng cũng không thể thực hiện được.

– Thứ hai, khi làm một việc gì cũng cần phải có người đồng tình, ủng hộ, thấy việc đó cần phải làm, mới đi vận động. Cần giáo huấn, hướng dẫn Ni chúng sinh hoạt theo kỷ luật nghiêm minh. Khi làm một việc gì cần có sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm với Ni bộ (trước đây) và với Phân ban Ni giới (hiện nay).

– Thứ ba, khi làm một việc gì cần có sự nhiệt tình, tín tâm đối với Đạo pháp. Cần đặt quyền lợi của Đại chúng lên trên hết, bởi vì Phật giáo có mặt là vì con người và cho con người.

– Thứ tư, theo tôi Lễ Tưởng niệm Tổ Kiều Đàm Di tổ chức năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh cần nêu lên được mối quan hệ của chư Ni trong hoạt động tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì các tỉnh đều đã tổ chức vào những ngày trước đó, đã nêu về hoạt động của Ni giới ở mỗi tỉnh. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thành lập Ni bộ, tất cả Ni giới từ các tỉnh về đây, hiệp lực với Sư trưởng Như Thanh ngày trước cũng ở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, hoạt động Ni chúng Thành phố Hồ Chí Minh nổi bật là do quý Ni trưởng đó đã từng tu học, hoạt động Phật sự tại đây. Ví như khi có được trụ cột chống đỡ xây dựng nên một ngôi nhà, có cơ ngơi thì mới triển khai được mọi Phật sự.

– Thứ năm, trong hội thảo về Sư trưởng Như Thanh đầu năm 2019, có tham luận đã đề xuất một vấn đề rất quan trọng rằng, cần thiết phải dành một căn phòng tại chùa Huê Lâm để lưu lại những di vật truyền thống trong hoạt động của Sư trưởng Như Thanh. Theo tôi, đây không chỉ là vấn đề của một cá nhân, của riêng ngôi chùa Huê Lâm, mà còn là vấn đề của chư Ni và Phật tử từ các nơi, các vùng khác nữa. Khi chúng ta ý thức được rằng đây là một ngôi Tổ đình, nơi xuất phát ra một tổ chức đầu tiên của Ni giới ở Nam bộ, thì các chùa Ni khác cần có nhiệm vụ đóng góp để làm sao có được ngôi nhà Truyền thống đó. Nhà Truyền thống này không chỉ dành riêng cho chư Ni đến học tập, mà còn cho tất cả những người khác, trong nước và kể cả các phái đoàn quốc tế đến để rồi họ nhận thấy: “Việt Nam có một vị Sư trưởng công hạnh như thế, các thế hệ hậu học đã tôn vinh như thế…”, thể hiện được tinh thần, hoạt động tâm linh của người Việt Nam, Nữ giới Phật giáo Việt Nam và bạn bè học tập chúng ta. Có thể chúng ta không bằng người về kinh tế, nhưng người ta sẽ học tập ở chúng ta về vấn đề tâm linh. Chúng ta có “quặng” tâm linh này khai thác hoài không bao giờ hết!

Vì vậy, theo tôi cần có kế hoạch triển khai, tổ chức càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc lớn vào kinh phí, vì vậy có kinh phí đến đâu ta làm đến đó. Khi nhận nhiệm vụ đảm đang Tổ đình Huê Lâm, nơi Sư trưởng Như Thanh đã sống tu, đã quản lý, đã phát triển, tôi thấy mình có trách nhiệm nặng nề. Nói kế thừa là phải kế thừa toàn bộ những hoạt động Sư trưởng đã để lại, cả nội dung mà tham luận hội thảo vừa qua đã đề xuất.

Kính chúc sức khỏe dồi dào, an lành đến với tất cả các vị đại biểu và chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Thích Như Huệ (ĐSHĐ số 113)