Nằm trong chuỗi sự kiện lễ công bố và trao quyết định nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027, hôm nay 16.4, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Bảo tàng lịch sử Quốc Gia (TP Hà Nội).
Hòa thượng, Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN chủ trì, với sự tham gia của các thành viên của Ban cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, v.v..
Hòa thượng Thích Thọ Lạc trình bày quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Theo đó, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong 13 Ban, Viện trung ương trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo quy định của Điều 25, 26, Chương V, Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII. Ban Văn hóa Trung ương có chức năng nghiên cứu, gìn giữ và phát huy bản chất tốt đẹp, trong sáng của văn hóa Phật giáo Việt Nam; Hướng dẫn và khuyến khích Tăng Ni, Phật tử sống và hành động đúng Chính pháp, loại trừ các hình thức cổ hủ, mê tín dị đoan, xa lạ với tinh thần Từ bi, Trí tuệ và nhân văn của Đạo Phật; hợp tác với các đoàn thể, cơ quan để góp phần cùng toàn dân xây dựng nền văn hóa dân tộc nhân văn, văn minh, tiến bộ; Quảng bá văn hóa Phật giáo Việt Nam tới Phật tử, công chúng trong và ngoài nước, v.v..
Tiếp đó, chư Tôn đức đại diện các Phân ban thuộc Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN nhiệm kỳ 2022-2027 trình bày kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể để Phật sự được phát triển hài hòa trên tinh thần đoàn kết và hòa hợp của các Phân ban.
Hòa thượng Thích Bửu Chánh – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, Trưởng phân ban Bảo trợ Ban Văn hóa Phật giáo phát biểu cho rằng, để có phương tiện hoạt động, Ban Văn hóa Trung ương cần phải có tài chính, do đó cần được sự chung lòng hỷ cúng của từng thành viên, nhất là các vị lãnh đạo ban, các phân ban trực thuộc. Đặc biệt cần định hướng lập kế hoạch tạo ra và chủ động nguồn tài chính cho các hoạt động Phật sự lớn Ban.
Thượng tọa Thích Trí Chơn – Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng Phân ban Công Nghệ và Thông tin trình bày phương hướng hoạt động của phân ban. Theo đó, phân ban sẽ tham mưu Ban thường trực lên kế hoạch kết nối, thúc đẩy, phát triển và tổng hợp các tin tức liên quan đến hoạt động Phật sự của Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam 61 tỉnh thành trên cả nước trên trung điện tử của Ban Văn hóa TƯ; thúc đẩy việc vận dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền tải, lan tỏa văn hóa Phật giáo; thiết lập các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác bảo tồn, quản lý di sản, thống kê và xử lý văn bản tư liệu cổ, hình ảnh, văn tự, kinh sách cổ.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng kiến trúc Hội KTS Việt Nam trình bày đề tài “Suy nghĩ về tính thống nhất và đa dạng trong Kiến trúc chùa Việt Nam”. Theo đó, qua quá trình hình thành và phát triển Phật giáo ở nước ta, tính thống nhất trong kiến trúc chùa Việt phản ánh sự thống nhất về nội dung tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đó chính là kết quả của sự tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ bên ngoài vào nhưng được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của nước ta. Đồng thời kiến trúc chùa có nguồn gốc từ kiến trúc dân gian địa phương. Như vậy, có thể coi đây là một trong những căn cứ khoa học quan trọng cho phép lý giải tính thống nhất trong ngôn ngữ kiến trúc chùa Việt. Mặt khác, ngoài tính thống nhất, do đặc điểm văn hóa – xã hội và điều kiện tự nhiên, khí hậu của các vùng, miền là khác nhau cùng với phương thức tu tập có những điểm riêng khác nhau của từng hệ phái mà kiến trúc chùa có những đặc trưng khác nhau. Và chính điều này tạo nên tính đa dạng trong kiến trúc chùa Việt.
Nhìn chung trong kiến trúc chùa của 4 hệ phái được khảo sát, có thể nhận thấy: 3 hệ phái Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông kinh có nhiều yếu tố tương đồng bên cạnh những khác biệt đa dạng trong khi hệ phái Nam tông Khmer có nhiều yếu tố khác biệt.
Qua đề tài “Bảo tồn, phát huy Di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam thực trạng và giải pháp”, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, di sản văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng dân cư. Đó là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh, lịch sử, văn hóa truyền thống, dân tộc. Đồng thời, đó còn là dữ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu phục vụ xây dựng định hướng, xác định mục tiêu phát triển Phật giáo vừa hiện đại vừa kế thừa truyền thống đảm bảo đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo trước thực trạng hiện nay, hơn lúc nào hết, nó càng trở nên cấp thiết và cần phải được đánh giá, thực hiện một cách khoa học, bài bản, đồng bộ các giải pháp… cũng như sự vào cuộc nhiệt thành, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan mà trước hết là của các tăng ni Phật giáo trụ trì các cơ sở tự viện; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương… Thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo đóng vai trò quan trọng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong phát triển Phật giáo Việt Nam cũng như góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nguồn sức mạnh nội sinh, yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
ĐĐ. Thích Minh Thuần – Chánh Thư ký Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN kiến nghị, thông qua ông Trần Đình Thành – Phó cục trưởng cục Di sản Văn hoá, mong cục Di sản Văn Hoá sẽ tổ chức những buổi tập huấn về bảo tồn di sản văn hoá ở các địa phương.
Phát biểu đúc kết, HT. Thích Thọ Lạc cho biết, buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa Phật giáo Việt Nam đã lắng nghe những chia sẻ hữu ích về công tác bảo tồn, giữ gìn văn hoá Phật giáo từ các cơ quan và các chuyên gia. Theo kế hoạch, 1 tháng sẽ có 1 buổi tập huấn do sự hướng dẫn của các cơ quan văn hoá về vấn đề bảo tồn di sản văn hoá cho thành viên Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN theo hình thức online. Hoà thượng gửi lời cảm ơn tới chư tôn đức Tăng Ni, lãnh đạo các cấp chính quyền, Ban quản lý Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn cho chuỗi sự kiện ban Văn hóa T.Ư GHPGVN thành tựu viên mãn.
Tin, ảnh: Sang Sang, Phúc Thông, Bông