Đà Nẵng: Đại đức Thích Thiện Xuân thuyết giảng về đề tài “Im Lặng” tại khóa tu chùa Bà Đa

39

PSO – Sáng ngày 05/4/2023 (nhằm ngày rằm tháng 2 nhuận năm Quý Mão), khóa tu “Một ngày An lạc” hàng tháng tại chùa Bà Đa tiếp tục diễn ra với sự tham gia của đông đảo đạo hữu Phật tử.

Thượng tọa Thích Thông Đạo – UV HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng, Trú trì chùa Bà Đa đã quang lâm truyền giới Bát Quan Trai đến các giới tử tham gia khóa tu.

Sau đó Ban Tổ chức đã cung thỉnh Đại đức Thích Thiện Xuân – Phó trưởng Ban Từ thiện Xã hội TƯ, Phó ban kiêm Chánh Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN, Trụ trì tu viện Linh Thứu TP.Hồ Chí Minh quang lâm chia sẻ pháp thoại đến các giới tử với đề tài “IM LẶNG”.
Đại đức Giảng sư đã nói lên giá trị đích thực của sự im lặng. Đức Phật cũng đã từng dạy hàng đệ tử hãy nói năng như chánh pháp và đến khi cần thiết thì sẽ im lăng như chánh pháp. Nói năng đúng lúc, hợp thời sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhiều người; nhưng im lặng đúng lúc và hợp thời cũng sẽ mang lại lợi ích không kém.

Người ta thường nói: “Im lặng là vàng”, nghĩa là sự im lặng có giá trị cao quý giống như vàng thật sự. Tại sao sự im lặng mà có giá trị lớn lao như vậy? Im lặng đã giúp ích được vấn đề gì cho con người trong cuộc sống? Vấn đề này nghe có vẻ như mâu thuẫn. Bởi vì trong cuộc sống, sự nói năng giao tiếp có một chức năng vô cùng quan trọng chi phối mọi hoạt động của con người. Ngôn ngữ có khả năng chuyển tải mọi thông tin cần thiết giúp cho con người hiểu biết nhau hơn; là phương tiện truyền thông giữa con người với con người và giữa con người với cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ còn biểu đạt được cả tâm tư tình cảm bên trong của con người. Ngôn ngữ còn là phương tiện đưa người ta đến với chân lý thực tại, thể nghiệm thực tại. Tất nhiên, ngôn ngữ có khả năng nâng người ta lên đến với chân-thiện-mỹ thì ngôn ngữ cũng có khả năng nhấn chìm con người trong vòng cương tỏa của tội lỗi. Ở đây, không bàn nhiều về vấn đề chức năng của ngôn ngữ mà chỉ muốn nói về thực tại phi ngôn, nhưng có khả năng hóa giải rất cao, đưa con người trở nên thánh thiện hơn.

Ở đây, tôi muốn nói đến sự im lặng diệu kỳ hay vô ngôn trong Phật giáo, một thuật ngữ Phật giáo đã được biểu hiện giữa các cuộc đối thoại của các bậc thánh giả, nhưng nó có khả năng đánh thức tiềm năng giác ngộ, giải thoát cho con người.
Vô ngôn, thực chất khi trong tâm thức không còn có sự phân biệt hay khái niệm phạm trù. Nó dứt bặt cả tưởng và tư, nên nó không cắt xén thực tại. Vô ngôn là không lựa chọn, không chia chẻ và cũng không đánh giá tiêu chuẩn một sự kiện nào hết. Sự im lặng diệu kỳ này vượt lên trên ranh giới của nhị nguyên đối đãi, không đóng khung trong một giá trị định mức có tính chất ước lệ khuôn sáo. Đây là trí tuệ như thật hay gọi là “không tuệ” không bị dính mắc vào tư kiến, thị phi giữa hữu và vô; chơn và tục. Vô ngôn hay sự im lặng chỉ được cảm nhận giữa tâm với tâm “dĩ tâm truyền tâm”, khi hai tâm thức cùng cảm ứng trong một giai tầng nhất định thì sự đối thoại này vượt xa hơn đối thoại của ngôn ngữ thường tình.

Chúng ta bắt gặp sự im lặng của Đức Phật sau khi thành đạo. Sự im lặng này vừa để chiêm nghiệm lại quá trình chiến đấu và chiến thắng đưa đến thành tựu đạo quả, đồng thời cũng để tận hưởng những phút giây an lạc thực sự sau khi chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.
Sự im lặng này cũng để nói lên rằng: “Đạo của Đức Phật chứng ngộ thì thật là cao xa mầu nhiệm, khó tin khó hiểu, chỉ những bậc trí mới có thể hiểu được; còn chúng sanh thì ưa ái dục, ham thích ái dục nên khó mà tiếp nhận được giáo lý thậm thâm vi diệu này”.
Tất nhiên, về phương tiện lý giải, giữa nói năng và sự im lặng, thì sự im lặng là trình độ diễn đạt cao hơn, sâu hơn. “Nói và im lặng tuy khác nhau nhưng minh tông thì một. Điểm hội tụ là duy nhất, nhưng dấu đi đến có tinh có thô. Nói ở nơi cái không nói, tất chưa bằng không nói nơi cái nói. Cho nên, luận bằng sự im lặng là chỗ vi diệu của luận vậy”.
Ngày nay giữa một xã hội đầy biến động, sự ô nhiễm môi trường tràn lan trong đó có sự ô nhiễm của tiếng ồn. Thời đại của công nghệ thông tin hiện nay càng tìm cách làm cho người ta nói với nhau nhiều hơn. Nhưng càng nói nhiều thì càng rối ren thêm, có khi trở thành “miệng lưỡi đao búa”, gây nên khổ đau thù hận để rồi người ta xa nhau. Giữa lúc này thì sự im lặng kỳ diệu thật sự có giá trị thiết thực, không những làm cho môi trường thanh tịnh trong lành mà còn làm cho lòng người an tịnh nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta có cơ hội nhìn lại nội tâm của chính mình để tìm lại nguồn hạnh phúc an lạc, làm cho cuộc đời có ý nghĩa thật sự.

Sau thời khóa chia sẻ pháp thoại, các giới tử được chư Tăng tại chùa Bà Đa hướng dẫn tụng kinh Vô Lượng Thọ, dùng cơm trong chánh niệm, kinh hành – niệm Phật.
Những hình ảnh ghi nhận:

   Nguyên Hà