“Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì Chánh pháp” là chủ đề cho kỳ Đại lễ Thánh Tổ Ni tổ chức tại tỉnh Bình Phước diễn ra từ ngày 22 – 23/4/2023 (nhằm ngày 3 – 4/3/Quý Mão), cho chúng ta thấy rõ một hướng đi đầy tâm huyết cùng nguyện lực của Phân ban Ni giới tỉnh nhà và đó cũng là tiếng nói chung của Ni giới khắp ba miền đất nước.
Gần một thập kỷ, các tỉnh thành đăng cai tổ chức ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di hết sức tôn nghiêm, trang trọng. Quý Ni trưởng Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành cùng chư Ni và Phật tử quy tụ về hành lễ trong niềm hoan hỷ an lành. Tưởng nhớ ân đức của Thánh Tổ Ni và chư Ni tiền bối hữu công, là truyền thống thiêng liêng cao đẹp mà Ni giới Việt Nam luôn tâm nguyện tiếp nối truyền thừa qua bao thế hệ.
Được biết, với lòng thành kính, tri ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, năm 1956, cố Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh – nguyên Vụ trưởng Vụ Ni bộ Bắc tông, cùng chư Ni trưởng tiền bối đã thỉnh ý chư Tăng và thống nhất chọn ngày mùng 8-2 ÂL (ngày Đức Phật xuất gia) hằng năm, để làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Chư Ni trưởng lúc bấy giờ cũng dựa vào các tư liệu lịch sử để phác thảo hình ảnh và tạc tôn tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, tôn trí tại trụ sở Ni bộ Bắc tông – chùa Từ Nghiêm.
Năm 2009, Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương được tái thành lập đã mở ra một hướng đi mới cho Ni giới Việt Nam trên bước đường tu học cùng hội nhập, cùng phát triển. Phân ban Ni giới thành lập, tạo nên một dòng chảy xuyên suốt gắn kết từ Phân ban Ni giới Trung ương đến Phân ban Ni giới các tỉnh thành. Với tâm nguyện hướng vọng ân đức của Thánh Tổ Kiều Đàm Di, Phân ban Ni giới Trung ương cùng phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm tại chùa Từ Nghiêm. Về sau Ni trưởng Thích Nữ Như Như – Trưởng phân ban Ni giới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gợi ý nên cho chư Ni mỗi tỉnh thành đăng cai tổ chức một năm và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin đăng cai đầu tiên.
Thế rồi, vào ngày mùng 8/3/2014 (nhằm ngày 8/2/Giáp Ngọ), tại Ni viện Thiện Hòa (H. Tân Thành, tỉnh BR-VT), Phân ban Ni giới tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di và chư Tôn Trưởng lão Ni tiền bối. Lễ tưởng niệm diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm đạo vị. Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành cùng trở về thành kính dâng hương tưởng niệm, thực hiện nghi thức cung thỉnh Giác linh và xướng lễ tụng niệm trước Giác linh đài Đức Tổ Kiều Đàm Di.
Tiếp theo tỉnh Bến Tre xin đăng cai tổ chức vào năm 2015. Lễ giỗ Thánh Ni lần thứ 3 năm 2016 được tổ chức tại Huế. Lúc này chư vị mới bắt đầu có quyết định biểu tượng về cờ luân lưu. Sau khi Huế hoàn mãn, cờ luân lưu được trao đầu tiên cho tỉnh Bình Dương tổ chức vào năm 2017. Năm đó, Bình Dương trao cờ luân lưu cho Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai. Năm 2018 Đồng Nai trao cho Tiền Giang. Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang tổ chức năm 2019 và cờ luân lưu được trao cho TP.HCM. Sau 2 năm đại dịch bị gián đoạn, đến tháng 10 năm 2022, Phân ban Ni giới TP.HCM mới tổ chức lễ giỗ Tổ và cờ luân lưu được trao lại cho Bình Phước.
Sau khi nhận cờ luân lưu, chỉ trong vòng 6 tháng, Trưởng ban Tổ chức là Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương cùng chư Ni trong tỉnh đã họp bàn và chuẩn bị đầy đủ các phân ban, tiểu ban, lên kế hoạch tổng thể cho công tác tổ chức ngày Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo hết sức chu đáo vào đầu tháng ba năm Quý Mão.
Như vậy, qua 8 lần tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni do Phân ban Ni giới Trung ương đảm nhận chỉ đạo thì chỉ có 5 tỉnh thành trở về sau mới bắt đầu có quyết định nhận cờ luân lưu. Cờ luân lưu là vật thể trao truyền về một sự kiện được tổ chức luân phiên. Với người con Phật chúng ta thì lá cờ này còn mang biểu tượng thiêng liêng cao quý về những giá trị truyền thống văn hóa mãi được lưu giữ truyền thừa, cho dù không gian, thời gian luôn có những chuyển dời thay đổi.
Nhận lãnh cờ luân lưu là một vinh hạnh và cũng là một trọng trách mà Phân ban Ni giới các tỉnh thành đã và đang đón nhận. Tổ chức một kỳ đại lễ là tâm huyết thừa hành Phật sự lớn lao, là sợi dây liên kết các thế hệ Ni chúng khắp ba miền đất nước, tạo điều kiện để chư Ni cùng trở về tỏ lòng thành kính tri ân Thánh Tổ Ni và chư vị tiền bối hữu công. Từ đó sẽ mở ra cánh cửa “hội nhập-phát triển” cho thế hệ Ni trẻ kế thừa mai sau.
Lam Khê (ĐSHĐ-115)
Nguồn: http://dacsanhoadam.vn