Hà Nội: Chùa Vạn Phúc khai mạc lễ hội xuân và mừng thọ cho các Phật tử

8

Sáng ngày 30 tháng 01 năm 2023, nhằm ngày 09 tháng Giêng năm Quý Mão, tại chùa Vạn Phúc – thôn Đoài – xã Phủ Lỗ – huyện Sóc Sơn – Hà Nội đã tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no, nhà nhà hạnh phúc và mừng thọ cho các Phật tử.

Quang lâm chứng minh lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó Ban Thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Trí Thuần – Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TW, Phó Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội; Phó ban Trị sự GHPGVN huyện Sóc Sơn; Tăng đoàn Nepal; cùng chư tôn đức Tăng trụ trì các ngôi chùa trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; Ông Đinh Văn Khóa – Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Bà Phạm Bảo Khánh – Phó Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội nông dân huyện Sóc Sơn; Bà Nguyễn Hồng Điệp – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn; Bà Đỗ Thu Nga – Ủy viên thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lỗ; cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân Phật tử đã về tham dự buổi lễ.

Lễ hội truyền thống chùa Vạn Phúc là dịp để bà con nhân dân bày tỏ niềm thành kính, tôn vinh, tưởng nhớ công đức đối với chư Phật, lịch đại Tổ sư, các bậc tiền bối, các vị thánh thần đã có công xây dựng và bảo vệ làng, quê hương, đất nước. Đây chính là đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đền ơn đáp nghĩa với người có công đức với cộng đồng, dân tộc. Đồng thời giúp con người nhớ về nguồn cội, sống hướng thiện nhằm tạo dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Lễ hội chùa Vạn Phúc là hoạt động của bà con nhân dân Phật tử địa phương trong đời sống tâm linh, là văn hóa tinh thần của cộng đồng và cũng là hình thức để duy trì bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần bồi đắp thêm cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đây cũng chính là giá trị đạo đức văn hóa tôn giáo, góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến giá trị của Chân – Thiện – Mỹ.

Ông Nguyễn Trọng Tiếp – Trưởng Ban văn hóa làng Đoài phát biểu khai mạc

Tại buổi lễ, sau khi Ông Nguyễn Trọng Tiếp – Trưởng Ban văn hóa làng Đoài phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể hội chúng, bày tỏ niềm vui mừng khi được tham dự lễ hội truyền thống đầu xuân năm mới tại nơi đây. Hòa thượng chia sẻ “Một năm có 4 mùa thì mùa xuân là mùa đẹp nhất. Những ngày đầu xuân chính là những ngày được Tổ tiên người Việt từ xa xưa cho tới thế hệ bây giờ rất mong muốn đầu năm tốt để cả năm được tốt. Do đó, các làng ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và trên toàn đất nước nói chung đều mở hội xuân để trước nhất là kính lễ các bậc thần linh, sau là vui chơi giải trí, mang lại niềm vui cho con người sau những ngày tháng vất vả làm ăn mệt nhọc, đón tết rồi đón xuân vui vẻ. Lễ hội có 2 phần chính là Lễ và Hội. Lễ là tính chất thiêng liêng với các bậc thần thánh, còn Hội là sự vui mừng của con người. Trong ngày hội, trước nhất mọi người gặp nhau tâm hồn vui vẻ, tay bắt mặt mừng chào hỏi lẫn nhau. Những người con ở xa cũng về dự ngày hội. Thứ hai là biểu hiện sự no đủ. Cho nên về lễ hội, các gia đình sau khi dâng hương ở đình đền cũng về tế cúng Tổ tiên và ông bà, sau đó vui vầy cùng con cháu bên mâm cỗ. Cách trang điểm ăn mặc cũng được đẹp nhất trong ngày hội. Lễ hội chính là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Dân tộc. Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm có lẻ, đa hòa quyện với văn hóa tín ngưỡng bản địa tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng của Việt Nam chúng ta. Ngôi chùa cũng là nơi để cầu nguyện quốc thái dân an của người dân. Do đó, Tổ tiên người Đoài – Sóc Sơn của chúng ta ở đây đã đưa lễ của làng mình vào ngôi chùa để vừa mang tính chất cầu mong Phật, cầu mong các vị thần linh và trời đất che chở cho nhân dân một năm bốn mùa tám tiết được bình an. Người xưa quan niệm ngày cuối cùng trong năm là ngày 23, gọi là chư thần triều thiên tức là các thần về chầu Ngọc Hoàng, tâu lên Ngọc Hoàng những gì xảy ra trong một năm dưới hạ giới. Ngày 9 tháng Giêng hàng năm, theo quan niệm tín ngưỡng dân gian là ngày Ngọc Hoàng giáng hạ. Điều này rất quan trọng bởi trước tiên đó chính là để giáo dục con người làm gì cũng phải biết tội mà tránh, biết phúc mà làm; thứ hai là để nhắc nhở mỗi người hãy nhớ chúng ta vẫn có các bậc thần linh ở trên cao che chở như một cây đại thụ che chở cho các cây nhỏ. Đó chính là một quan niệm tín ngưỡng rất văn hóa và thực tế đối với đời sống của người dân. Trên tinh thần đó, mặc dù ngày nay công nghệ rất phát triển, nhưng vẫn còn đậm nét văn hóa truyền thống, vẫn còn tinh thần yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và giữ gìn bản sắc trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam nói chung và dân địa phương chúng ta nói riêng. Trên tinh thần đó, làng của chúng ta năm nào cũng mở hội, đặc biệt nhất là năm nào cũng được chư Tăng chúc phúc cầu nguyện cho dân, được sự tham dự đầy đủ của các cấp chính quyền. Điều đó nói lên sự quan tâm tới đời sống của nhân dân và của tín đồ Phật tử nơi đây”.

Cuối cùng, nhân dịp đầu xuân Hòa thượng chúc chư Tăng thân tâm thường lạc, Phật sự hanh thông cát tường, cầu nguyện cho toàn thể quan khách chính quyền cùng nhân dân Phật tử được 5 phúc báu của Đức Phật: sống lâu, sức mạnh, sắc đẹp, an vui, trí tuệ. 

Theo quan niệm của người xưa, tuổi thọ là do trời cho, bởi phải đầy đủ phúc đức nên mới được sống lâu, điều này cũng hòa nhập cùng với quan niệm của Phật giáo. Vì lẽ đó, nhân dịp này, chùa Vạn Phúc đã tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ già tuổi 60 – 65 – 70 – 75 – 80 – 85 trở lên của đạo tràng Phật tử sinh hoạt tại chùa Vạn Phúc. 

CTV