Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng chủ đề “Hải đảo tự thân”

11

PSO – Tại khóa tu hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) vào sáng nay, ngày 02/04/2024 (12/02N năm Quý Mão), Thượng tọa Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết giảng với hội chúng về đề tài “Hải đảo Tự thân”.

Thượng tọa Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang

Thượng tọa đã nhắc lại việc Đức Phật báo tin sẽ nhập Niết Bàn như sau: Năm Đức Phật đã 80 tuổi, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại khoản 129 dặm.

Một hôm, Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn ở bên cạnh Ngài đến và  bảo rằng: – “A Nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp và Đạo cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn”.

Tin đức Phật sắp vào Niết Bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lần lượt trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.

Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.

Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Đến nhà, ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm, thường gọi là nấm heo rừng, vì thứ nấm này rất được giống heo rừng ưa thích.

Thọ trai xong, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Sa La để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Sa La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.

Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia thọ giới Sa Di với Ngài. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử chót trong đời Ngài.
Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:

(a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.

(b) Các đệ tử phải lấy Giới luật làm thầy.

(c) Ở đầu các Kinh, phải nêu lên 5 chữ: “Như thị ngã văn”.

(d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm 3 phần:

– Một phần cho thiên cung,

– Một phần cho long cung,

– Một phần chia cho tám vị Quốc vương ở Ấn Độ.

Sau đây là lời phú chúc của Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng:

“Này! Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các ngươi hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đứng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi!”

“Này! Các ngươi đừng dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đới không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người thân yêu của ta!”

Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch.

Rừng cây Sa La tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót, vạn vật như chìm lặng trong những giây phút nặng nề của sự chia ly.

Sự thị hiện Niết Bàn của Đức Phật nhằm giúp cho chúng ta thấy được chân lý Vô Thường của các pháp, không có một vật gì là tồn tại vĩnh viễn; vì thế chúng ta không nên và không được dựa dẫm vào bất kỳ một ai hay hy vọng vào bất kỳ thứ gì. Người học đạo giải thoát phải biết nương tựa vào giáo Pháp của Đức Phật dạy, lựa chọn cho mình pháp môn tu tập phù hợp rồi từ đó tự mình làm hòn đảo vững chảy cho chính mình – “Hải đảo Tự thân”, kiên định với con đường và lý tưởng mà mình đã chọn để đạt đến mục đích tối thượng.

Đức Phật cũng dạy: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Vì lẽ đó, chỉ có tự mình thực hành lời Phật dạy mới đi đến giải thoát chứ không phải cầu xin, khấn vái bên ngoài mà được.

Hiểu được như vậy chúng ta càng siêng năng tinh tấn hơn nữa thực hành lời Phật dạy, cố gắng hành thiện để vun bồi phước báu; không sợ vô thường, không chùn bước trước các khó khăn, nghịch cảnh của cuộc đời.

Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật Niết Bàn, chúng ta hãy cùng nhau phát nguyện đem ánh sáng chánh pháp của Ngài làm lan tỏa khắp muôn nơi để ngày có thêm nhiều người thực hành, cùng mang lại nhiều niềm an vui trong cuộc đời này.

Một số ảnh tại buổi thuyết giảng:

Thông tin Ban Hoằng pháp PGTG