PSO – Sáng ngày 4/2/2023 (nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), chùa Bửu Quang (171/10 QL 1A, phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) tổ chức Đại lễ rằm tháng Giêng truyền thống Phật giáo Nguyên thủy PL.2566 – DL.2023.
Tham dự buổi đại lễ có chư Tăng trụ trì các tự viện như: Chùa Kỳ Viên (quận 3); chùa Nguyên Thủy (quận 2); chùa Thiền Quang 2, Tịnh xá Phước Huệ, chư tăng và tu nữ Thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai); chùa Bát Chánh Đạo (TP. Thủ Đức); chư Tăng các chùa Khmer miền Tây Nam bộ… cùng chư thiện nam tín nữ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương…gần xa.
Mở đầu chương trình là nghi thức khai kinh Tam Bảo do Tu nữ Phước Thủy đảm trách.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Trụ trì chùa Phổ Minh đã thuyết pháp về Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nguyên thủy nói riêng từ khi hình thành, phát triển và tồn tại đến nay. Trong đó, Ngài nhấn mạnh về sự đóng góp của Phật giáo toàn cầu giai đoạn không phân chia, chưa phân hóa. Sự thống nhất giữa Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy trong các thời kỳ như giai đoạn 1963 và giai đoạn thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1981. Bên cạnh đó, Ngài nói về ý nghĩa của đại lễ tháng Giêng truyền thống Nguyên thủy như: là ngày lễ lớn đánh dấu những sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Đức Thế Tôn.
Kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết kệ Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo) (có tài liệu ghi là kinh) là căn bản cho các giới luật sau này trong sự kiện đại hội Thánh Tăng tại Tịnh-xá Trúc Lâm; một sự kiện khác vào cuối cuộc đời là Ngài hứa với ma vương sẽ viên tịch sau ba tháng nữa.
Sự kiện đại hội Thánh Tăng không phải là một sự hội họp thông thường mà đòi hỏi phải hội đủ bốn điều kiện (Caturansasannipata) đặc biệt và trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama chỉ có một kỳ đại hội Thánh Tăng mà thôi:
- Ðúng vào ngày trăng tròn tháng Magha, tương ứng với tháng Giêng âm lịch.
- Các vị tỳ-khưu tự động đến bái kiến đức Phật, không hẹn trước.
- Các vị đó đều là Thánh tăng A-la-hán có lục thông.
- Các vị đó đều xuất gia với đức Phật như là Thiện Lai Tỳ Khưu (Ehi-bhikkhu).
Nhân dịp này, Đức Phật đã thuyết kệ Ovada-patimokkha (Giải thoát giáo) đến chư Tỳ khưu. Nội dung kệ Ovada-patimokkha cô đọng lại toàn bộ nội dung của giáo pháp cũng như là phương thức căn bản của cuộc sống tu tập để các đệ tử lấy đó làm tôn chỉ thực hành trong quá trình hoằng truyền Chánh pháp.
Phần một: Giáo giới Ovadapatimokkha, nghĩa là Ngài tóm lược Giáo pháp thành ba câu kệ ngôn:
1. Không làm mọi điều ác (Sabbabābassa akaranam), (PC 183);
2. Chư Phật thường giảng dạy, (PC 184);
3. Không phỉ báng, phá hoại, (PC 185).
Ðó là Giáo giới của chư Phật trong quá khứ và của Như Lai vậy.
– Phần hai: Ngài giảng về Anàpatimokkha, có nghĩa là Ngài chuẩn y chư Tỷ kheo phải hành lễ Bố tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ nhằm ngày 14 và 30 (hoặc 29) và ngày tăng hòa hợp (samaggi uposatha)
Kết thúc buổi thuyết pháp, chư Tăng Tổ đình Bửu Quang quang lâm dâng hương đức Từ Phụ, tụng kinh phúc chúc quần chúng tín đồ, Phật tử đang hiện diện tại bổn tự sau khi Phật tử xin giới, dâng hương, mâm huê.
Kết thúc buổi lễ trước khi chư Tăng thọ dụng là quần chúng tín đồ, Phật tử đặt bát hội đến chư Tăng nhân dịp Đại lễ rằm tháng Giêng Quý Mão 2023 lại về.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận.
Nguyễn Ngọc Hùng