TP.HCM: Chùa Pháp Tạng và chuyến Hành Hương Thập Tự – Một nét đẹp văn hoá truyền thống đầu xuân mới Quý Mão 2023

34

Xuân đến Tết về, cả vũ hoàn như trổi dậy sức sống mới. Chiếc áo hoa lệ đã được phủ lên khắp quả địa cầu làm cho đất trời càng thêm hương sắc. Đối với người dân Việt, từ ngàn xưa đến nay, Tết Nguyên Đán là thời khắc thiêng liêng và trang trọng, thấm đượm những ý nghĩa và ân tình. Đây cũng là một lễ hội cổ truyền lớn nhất trong năm.

Hoà cùng niềm vui đất trời, Đạo Pháp vẫn luôn dung hoà và vận hành cùng đời sống người dân Việt. Những ngôi tự viện cũng được bày trí bắt mắt cùng những không gian ấm cúng chào đón lữ khách gần xa về lễ Phật vãng cảnh du xuân.

Nguyện ước về một năm mới đầy phúc lạc và thuận buồm xuôi gió cho tự thân và gia đình, người người tìm về chốn già lam, cùng thực hiện biết bao thiện hạnh như: lễ Phật, cúng dường, bố thí, phóng sanh, dâng hương hoa, ấn tống, in ấn Kinh sách… hầu mong những phước báu đó sẽ sớm đơm hoa kết trái, giúp họ sớm thành tựu những sở nguyện.

Nhiều người còn tin tưởng rằng, đầu xuân làm được nhiều thiện sự, đi viếng được nhiều cảnh chùa sẽ khiến cho năm đó càng thêm an lành và công việc hanh thông. Trong đó, số 10 được cho là con số của sự viên mãn, tròn đầy, nên đi được mười cảnh chùa sẽ tăng thêm phần ý nghĩa. Đây cũng một truyền thống tốt đẹp của tất cả những người con Phật, nương về Tam Bảo, hướng về sự thanh tịnh nơi tâm hồn.

Với ý nghĩa đó, theo thông lệ hàng năm, hai ngày mùng 7 và mùng 8 Tết vừa qua, Chùa Pháp Tạng (C3/8 Lê Đình Chi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã tổ chức chương trình Hành Hương Thập Tự – Mừng Xuân Quý Mão năm 2023 với sự hướng dẫn và trực tiếp dẫn đoàn của Đại đức Thích Trí Huệ – UVTT Ban Hoằng Pháp TƯ – Trụ trì Chùa Pháp Tạng tại hơn mười cảnh chùa dọc tuyến đường từ Thành phố Hồ Chí Minh xuôi về Vũng Tàu.

Hành trình về suối nguồn tâm linh và văn hoá dân tộc được khởi hành tại Chùa Pháp Tạng lúc rạng sáng ngày mùng 7, đến địa điểm thứ nhất là Chùa Viên Quang, toạ lạc tại số 365 QL51, Long Đức, Long Thành, Đồng Nai.

Tại đây, sau buổi điểm tâm, đoàn hành hương được đón nhận cơn mưa pháp đầu năm rộn rã tiếng cười qua chủ đề “Đi Chùa Có Phước” với sự thuyết giảng của Đại đức Thích Trí Huệ – Trưởng Ban tổ chức.

Đại đức nêu lên những ví dụ cụ thể về những việc làm, hành động giúp mọi người có đủ đầy phước báu ngày đầu xuân. Ngoài công đức viếng chùa lễ Phật, bà con Phật tử còn có thể tạo phước báo cho một năm mới bằng những nụ cười trao nhau, những lời nói từ hoà, sự hoan hỷ, cảm thông, chia sẻ nhau trong suốt chuyến hành trình;  Đặc biệt nhất là công đức cúng dường ruộng phước điền quý báu nhất tại thế gian.

Phái đoàn tác bạch khánh tuế Ni Trưởng – Viện Chủ chùa Viên Quang cùng tịnh tài, phẩm vật cúng dường lên Tam Bảo.

Ban tổ chức phát lộc đầu năm cho quý thiện hữu hành hương Thập Tự, cầu chúc cho mọi người có chuyến đi an lành

Đoàn xe tiếp tục lăn bánh đến điểm hành hương thứ hai: Chùa Huê Lâm II – một ngôi tự viện từng thu hút đông đảo Phật tử địa phương và các khu vực trong cả nước về tham dự khoá tu Phật Thất, đạo tràng Bát Quan Trai. Toạ lạc tại TT. Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoàn hành hương dùng bữa trưa ấm áp tại Huê Lâm II

Được sự tiếp đãi tận tình và chu đáo của mái già lam Huê Lâm II, đoàn hành hương được tiếp thêm năng lượng của sự từ bi, tiếp tục đến tự viện thứ Ba: Tịnh Xá Ngọc Bích thuộc hệ phái Khất sĩ do Tổ Sư Minh Đăng Quang sáng lập.

Ngôi tự viện nghiêm trang, tuyệt đẹp nằm sát chân núi, phía trước hướng ra biển đã trở thành một điểm du lịch văn hoá tâm linh tiêu biểu của Vũng Tàu thu hút nhiều khách du lịch viếng thăm.

Điểm thứ Tư: Thích Ca Phật Đài (Chùa Thiền Lâm) toạ lạc tại P. 5, TP. Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây vừa là một danh lam thắng cảnh, vừa là nơi hội tụ của biết bao tinh hoa Phật giáo, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan và chiêm bái mỗi năm.

Sở dĩ Chùa Thiền Lâm có tên gọi là Thích Ca Phật Đài bởi tại đây có Bảo Tháp hình bát giác cao 17 mét thờ Xá Lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trên đỉnh bảo tháp có búp sen chứa 13 viên Xá Lợi Đức Phật được đựng trong một hộp bằng vàng do Ngài Hòa Thượng Thánh Tăng Narada người Tích Lan (Sri Lanka) cúng dường. Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp đặt bốn cái đỉnh lớn, bên trong chứa bốn nắm đất thiêng được thỉnh từ 4 nơi ở Ấn Độ là: Lumbini (nơi Bồ Tát Đản sanh), Buddha Caya Uruvfla (nơi Ngài thành đạo), Isipatana (nơi Ngài chuyển pháp luân) và Kusinara (nơi Ngài nhập Niết Bàn). Đây không chỉ là niềm đại hạnh của người dân ở Vũng Tàu mà cả dân tộc Việt Nam.

Đại đức – Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh rằng: Bất kỳ ai đảnh lễ Xá Lợi Phật với niềm kính tin thì công đức ấy, cũng như được đảnh lễ kim thân Phật khi Ngài còn tại thế.
Đại đức Thích Trí Huệ hướng dẫn Phật tử nhiễu quanh Đại Bảo Tháp 3 vòng tưởng niệm đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Để mọi người thuận tiện chiêm bái và ôn lại cuộc đời đức Tôn Sư vĩ đại của nhơn thiên, nhiều quần thể kiến trúc đã được kiến tạo nơi đây. Ngoài ra, mọi người còn có thể đảnh lễ cội Bồ Đề hậu duệ của cây Bồ Đề Tổ tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) được trồng vào năm 1960.

Hành trình về suối nguồn tâm linh và văn hóa dân tộc được tiếp tục tại địa điểm thứ Năm là Chùa Hội Phước – ngôi tự viện khang trang – Viện chủ là Hoà thượng Thích Giác Hạnh.

Điểm thứ Sáu là Thiền Tôn Phật Quang (Suối Tiên, Núi Dinh, Vũng Tàu) do Thượng Toạ Thích Chân Quang là viện chủ. Một địa danh thu hút hàng vạn người về dự các khoá lễ hàng năm. Ngoài ra, nơi đây còn tổ chức các khoá học đạo đức, khoá tu mùa hè, đào tạo kỹ năng mềm cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên Phật tử gần xa.

Ấn tượng nhất là Đại tôn tượng đức Bổn Sư bằng Đá Granite có chiều cao trên 14 mét, nặng 700 tấn, được tạo nên từ 44 khối đá ghép lại với nhau vô cùng kín kẽ, mềm mại, hài hòa trong từng đường nét. Một nét đẹp hài hoà, từ ái toát ra từ gương mặt Ngài khiến ai chiêm bái đều cảm thấy an lạc, trút bỏ đi những muộn phiền.

Điểm thứ bảy: Đoàn dừng chân và nghỉ lại tại Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh, toạ lạc tại thôn Phước Thành, Tân Hoà, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một đêm yên bình với ly trà, miếng bánh mứt, hàn huyên tâm sự về chuyện đời, chuyện đạo, tạo nên nguồn động lực cho năm mới thêm khởi sắc.

Ngày mới bắt đầu, chuẩn bị thêm tư lương cho chuyến hành hương của ngày thứ hai và con đường trở về bản tánh thanh tịnh của quý hành giả chuyến đi, Đại đức Giảng sư Thích Trí Huệ đã có buổi chia sẻ pháp thoại qua chủ đề: “Con đường thoát khổ”. Qua đó, giúp mọi người xác định rõ mục tiêu đời mình cần hướng đến điều gì.

Mục đích đời người chung quy đều là sự tầm cầu hạnh phúc. Nhưng do mê lầm, bị chi phối bởi dục vọng mà chúng sanh lạc hướng. Chúng ta không thấy được cái khổ bản chất mà chỉ lo giải quyết cái khổ hiện tượng. Tất thảy những gì chúng ta đón nhận đều là đứa con – là quả của nghiệp do chính mình từng tạo tác bởi thân – khẩu – ý.

Vì không hiểu, không thấy biết con đường đi của nhân quả, chúng ta than trách đời và cố gắng thoát khổ bằng nhiều hình thức: thay đổi hoàn cảnh, né tránh,… thay vì bằng lòng, hoan hỷ với những gì đang có.

Ba cấp bậc của sự hạnh phúc: thoả mãn vật chất (phàm phu); thoả mãn tinh thần (người tu thiền định); đỉnh cao nhất an lạc trong sự thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau (bậc Thánh, bậc Giác Ngộ).

Để tự thân an ổn lâu dài, chúng ta cần định ra phương hướng để có được hạnh phúc tuyệt đối. Nền mống căn bản nhất là tác phước thật nhiều với lòng từ bi hỷ xả, làm phước với trí tuệ và không cầu quả phước để quả thiện được tròn đầy. Tiến xa hơn là một nội tâm định tĩnh, sáng suốt, thấu rõ vấn đề bằng việc phát tâm tu tập. Nhờ có Tam Vô Lậu Học (Văn – Tư – Tu) mà chúng ta thay đổi tâm, phát sanh trí tuệ, dần già phát triển tâm linh và thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau.

Tạm chia tay chốn tự viện nơi Núi Dinh, đoàn tiếp tục đến ngôi tự viện thứ Tám – Tổ đình Đại Tòng Lâm hay còn được gọi với tên Vạn Phật Quang, tại thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngôi tự viện được tạo lập bởi Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907-1978), từ chùa Ấn Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) đến khai sơn vào năm 1958 với mục đích xây dựng nơi đây thành một đại tòng lâm có quy mô lớn, triển khai Phật học viện – địa điểm quy tụ Tăng Ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp hoằng pháp độ sinh.

Nơi đây không chỉ nổi tiếng về việc đào tạo nên nhiều Tăng tài mà còn khá nhiều kỷ lục như: Chùa có Ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam (02/01/2006); Chùa có Tượng Phật nhiều nhất VN (31/05/2007); Chùa có Pho tượng Phật Di Lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất VN (21/03/2009); Chùa có Vườn tượng phẩm tôn trí Tượng Phật nhiều nhất VN (2009); Chùa có số Tăng Ni tham dự khóa An cư kiết hạ nhiều nhất VN (30/11/2007); Chùa có Bộ tượng Tam Thánh bằng đá hoa cương lớn nhất VN (20/12/2010)…

Cạnh Đại Tòng Lâm là Ni Viện Thiện Hòa thuộc TT. Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, đoàn viếng thăm chốn già lam, nơi đạo tào quý Ni chúng.

Nơi không gian trang nghiêm rộng lớn này, mỗi hành giả được trao tặng những chiếc lộc đầu xuân cầu chúc bình an đến muôn nhà. Sau những lời khánh tuế lên quý Ni Trưởng, Ni Sư, Sư Cô, đoàn cúng dường tịnh tài phẩm vật đến tự viện và dùng bữa cơm thân mật tại đây.

Điểm Thứ Mười là Thiền viện Thường Chiếu: số 001, tổ 23, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Thường chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngài đã phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cùng nhiều ấn phẩm về thiền.

Được biết, Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trong khu đất rộng 10 ha, hiện nay thiền viện ngày càng được mở rộng với nhiều hạng mục công trình càng làm chốn già lam thêm trang nghiêm và đón hàng vạn lượt lữ khách về chiêm bái.

Đến viếng ngôi tự viện của một bậc thạc đức như Sư Ông Trúc Lâm, phái đoàn hành hương vô cùng cung kính và chí thành đảnh lễ, cảm niệm ân đức Tam Bảo bằng những tịnh tài, phẩm vật. Đồng ghi lại những bức hình lưu niệm nơi tôn tượng đức Bổn Sư niêm hoa vi tiếu để nhắc nhở tự thân luôn thực tập chánh niệm, an trú trong giờ phút hiện tại, nhằm hướng đến sự an lạc và tự tại.

Trở về lại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn viếng thăm Chùa Hoằng Pháp: 96 ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tọa lạc trên khu đất 6 hécta, tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông đã được tồn tại trên nửa thế kỷ qua với sự phát triển và mở rộng vô cùng to lớn với hơn 40 chi nhánh trực thuộc tông môn. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều quý thiện nam tín nữ gần xa trở về tu tập các khoá tu học: Phật Thất, Sinh Viên, Thiếu Nhi… đúng như yếu chỉ 2 câu đối trước cổng:

Hoằng dương đại đạo chỉ bày nhân loại nhận ra chân thật tính

Pháp Phật nhiệm màu khai thị chúng sinh ngộ được bồ đề tâm

Tết đến, cả khuôn viên chùa Hoằng Pháp ngập tràn trong sắc hương của hoa cỏ mùa xuân. Vô số tiểu cảnh đủ phong cách đã được bày trí bắt mắt, rực rỡ hoa xuân càng làm cho không khí nơi đây rộn ràng hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, đoàn xe lăn bánh về Chùa Pháp Tạng: C3/8 Lê Đình Chi, Lê Minh Xuân, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh

Hoà mình vào không thanh bình, giản dị, đặc trưng của làng quê Tây Nam Bộ hữu tình, nơi con kênh xanh mát với khu vườn thiền thanh tịnh, xen lẫn mùi trầm hương thoang thoảng tỏa khắp cùng tiếng ngân vang của Chuông Bình An. Chương trình Hành Hương Thập Tự mừng xuân Quý Mão 2023 đã được khép lại với biết bao nguyện ước đầu năm, cầu mong mọi điều an lành đến với mọi người khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

Dư âm đâu đây những câu chuyện vui trên chuyến xe ân tình, những miếng bánh ngọt, chén trà xanh, những món quà tặng cho nhau trong chuyến đi sẽ là chất liệu kết nối thân thương cho Tình Pháp Duyên Tăng, là nguồn động lực cho một năm mới thêm thành tựu và khởi sắc.

“Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” là vậy, nhờ những dịp này mà quý thiện hữu sẽ kết duyên thêm nhiều Chùa mới, thân cận học hỏi thêm nhiều Chư Tăng Ni, thiện trí thức.

Những lời Kinh cậu Kệ sẽ kết thành công đức tu tập, phát những tâm nguyện tốt đẹp trong năm mới. “Thập” trong Thập Tự không chỉ là con số viên mãn, mà còn nhắc nhớ mọi người hãy trưởng dưỡng Đạo Tâm trở thành viên ngọc sáng, cứng như Kim cương, tạo nhơn địa để nảy sinh mọi công đức, quả lành trong hành trình tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Hành Thập Thiện Nghiệp Đạo và Thập Ba la mật, Thập Hạnh Phổ Hiền để tiến xa hơn trên con đường giác ngộ, giải thoát cho tự thân và lợi lạc cho tha nhân, cúng dường lên Mười phương Chư Phật, Thập Phương thường trụ Tam Bảo trong khắp pháp giới.

Tin & Ảnh: Ban TT-TT Chùa Pháp Tạng