Tết đến, nàng Xuân đã về, cả đất trời tươi thắm, tràn đầy nhựa sống. Chiếc áo mới được khoác lên điểm tô cho những ngày đầu năm càng thêm đượm hồng hương xuân. Cảnh sắc tuyệt mỹ đó, khiến cho lòng ai cũng không thể không xao động. Có lẽ vậy mà sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người dân tộc Việt, Tết tự bao đời đã trở thành một dịp đặc biệt gắn kết tình thân, là lúc mọi người đoàn viên, sẻ chia những yêu thương, gửi trao những lời chúc thân ái, chân tình đến nhau.
Song hành cùng những lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc thì viễn cảnh du xuân, viếng Chùa lễ Phật là một hoạt động không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Việt.
Cũng như bao ngôi tự viện khác, mong muốn khách thập phương có nơi nương nhờ tâm linh trang nghiêm thanh tịnh, lại thêm những giờ phút yên bình, vui tươi, ấm áp bên cửa thiền, chư Tôn Thiền Đức cùng quý Phật tử tại Chùa Pháp Tạng, tọa lạc ở địa chỉ C3/8 Lê Đình Chi, Ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đã dành bao tâm huyết và thời gian để bày trí những tiểu cảnh chốn thiền môn mang đậm hồn Việt sau 2 năm khó khăn tạm đóng cửa vì dịch bệnh.
Không chỉ vậy, lữ khách du xuân về viếng chùa còn được chiêm ngưỡng nét đẹp thanh bình, giản dị, đặc trưng của làng quê Tây Nam Bộ hữu tình nơi vườn thiền thanh tịnh cùng những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ngày Tết cổ truyền Việt Nam để chào đón quý thiện nam tín nữ khắp nơi đến du xuân, tham quan và lễ Phật những ngày xuân về.
Tại thời khắc đất trời chuyển giao năm mới, sau lời khấn nguyện âm vang của chư Tôn đức chùa Pháp Tạng và đông đảo quý thiện nam tín nữ gần xa, những chiếc đèn hoa đăng đủ sắc màu đã được thả xuống con kênh yên bình nơi vườn Thiền, cầu chúc mọi điều tốt lành và hỷ lạc cho một năm mới sang.
Như thông lệ hàng năm, Đại đức Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì chùa Pháp Tạng đã gửi những lời chúc Tết thân tình đến quý Phật tử, cùng thời pháp thoại trao tặng những lời đạo lý đầu năm trong không khí thấm tình pháp lữ.
Cả vũ hoàn này đều nằm trong sự chi phối của 4 quy luật tự nhiên, đó là: sanh – trụ – dị – diệt. Tất cả mọi thứ đều biến đổi không ngừng kể cả đời sống của mỗi con người chúng ta và thời khắc giao thời cũng chỉ là sự chuyển đổi của năm cũ sang năm mới, tức nói sự chuyển đổi của một năm. Đối với mỗi cá nhân, làm sao để tự thân chúng ta trở nên thuần thiện hơn thì đó mới là sự biến chuyển quan trọng nhất.
May mắn thay, giữa thế gian trần trượt này, chúng ta có Tam Bảo để nương tựa. Nhờ trí tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn, Ngài đã thị hiện tại thế gian và chỉ ra cho chúng ta phương cách thay đổi cả một chặng đường lâu xa, mang lợi lạc lâu dài cho chư Thiên và loài người, đó là: nhận thức, tâm hồn, ứng xử, tư duy, thái độ và sự cảm thọ nơi từng con người một.
Để có thể thành tựu được các pháp trên thì mỗi người chúng ta cần phải học và hành pháp khai thị và pháp thực hành một cách chuyên cần. Bên cạnh đó, phát tâm vun bồi ruộng phước điền và tu tập để thay đổi những tâm xấu ác trở nên thiện lành là yếu tố quyết định. Nhờ đó mà bước đường tâm linh sẽ được tiến xa hơn, lại thêm nhẹ nhàng đi qua những bể dâu cuộc đời.
Những lời chia sẻ chân tình của Đại đức Giảng sư đã được quý thiện nam tín nữ đón nhận trong niềm hoan hỉ.
Phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, bên cạnh không gian trang nghiêm của điện Phật Đa Bảo và khu điện thờ, đến với chùa Pháp Tạng, lữ khách sẽ được hòa mình vào không gian tươi mát, sống động mang phong cách thôn quê, của miền Tây Nam Bộ càng làm nhiều người thích thú, nhất là những người con xa quê lại thêm gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết giữa Sài Thành tấp nập.
Khu vườn thiền – nơi tổ chức khóa tu định kỳ hàng tháng, giờ đây đã được trang hoàng thành một vùng nông thôn yên bình đa sắc, với nhiều khu bày trí bắt mắt được người người thăm viếng không nỡ rời đi, ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên cạnh những người thân yêu khi nàng xuân về.
Nào cành mai, nhành đào, đòn bánh tét, cặp bánh chưng, những quang gánh của các mẹ các bà, hàng chợ bán trái cây, chiếc ghe chất đầy rau củ, những trái chín trĩu cành, mái tranh đơn sơ,… đang tạo nên một bức tranh thiên nhiên miền quê nhẹ nhàng thu hút lòng người.
Đồng thời, bổn tự còn lồng ghép một cách khéo léo đánh động tâm thức của mỗi người về đức hiếu sinh và sự yêu môi trường thiên nhiên.
Tiếng chuông ngân vang của Chuông Bình An – nơi mọi người gửi gắm biết bao nguyện ước đầu năm, cầu mong mọi điều an lành đến với người thân, gia đình, thân quyến, quê hương đất nước; xen lẫn mùi trầm hương lan tỏa áp khuôn viên chùa càng làm cho không gian trở nên trang nghiêm hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, bổn tự còn bố trí một không gian dành riêng cho ông đồ cùng mực tàu, giấy đỏ. Nơi mà tinh hoa dân tộc Việt được bay bổng trên những khổ giấy đỏ tươi thắm. Sau khi được Thầy Trụ trì gửi gắm những lời thơ – câu chúc vào những câu đối đậm thi vị thiền môn. Những chữ cầu tài, cầu lộc dân dã đã được chuyển đổi thành những lời đạo lý lòng ghép với lời chư Phật, chư Tổ truyền dạy, giúp cho mọi người hiểu biết cách sống sao cho thiện-lành để có được an vui, hạnh phúc dài lâu. Nhờ vậy, mà nét đẹp văn hóa này càng thêm sâu sắc và ý nghĩa.
Quanh khuôn viên chùa, những câu khẩu hiệu đoạn trích trong Kinh văn đã được tóm gọn một cách vắn tắt để du khách viếng thăm vãng cảnh hay nghỉ ngơi có thể thấm nhuần hơn giáo lý của Phật đạo.
Viếng chùa, lễ Phật đầu năm đã trở thành một phong tục đẹp đẽ của người dân Việt. Tuy rằng cuộc sống hiện đại ngày nay với bao tất bật, lo toan nhưng nếp sống tâm linh ấy vẫn luôn được truyền thừa và gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Nhờ vậy mà quý thiện nam tín nữ gần xa được thêm cơ hội gần gũi quý Tôn Đức, thêm giờ phút gần Đạo Pháp và thấm nhuần thêm giáo lý vô ngã, vị tha của đạo Phật. Như câu thơ của thi sĩ Huyền Không đã khẳng định:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
Mái chùa sẽ mãi là nơi an vui, là điểm tựa tinh thần, là nơi phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc; Tạo nét chấm phá, khởi đầu một mùa xuân an vui, một năm mới tràn đầy phúc lạc.
Mừng Xuân Quý Mão đến vạn nhà
Lòng người phấn khởi ngát Hương Hoa
Lộc tài đầy ắp trong ngoài ngõ
Mang nặng nghĩa tình mãi chẳng xa.
(trích lời thơ “Chúc Xuân” – Đại đức Thích Trí Huệ)
Sau đây là những hình ảnh được ghi nhận về khung cảnh tết cổ truyền nhộn nhịp tại chùa Pháp Tạng:
Tin và ảnh: Ban TT-TT Chùa Pháp Tạng