PSO – Lễ Hằng thuận của Chú rể Nguyễn Trọng Nhân – pháp danh Thánh Đức và Cô dâu Huỳnh Trâm Anh – pháp danh Thánh Thư được trang trọng diễn ra tại Ni viện Vạn Hạnh (số 508 Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, TP.Thủ Đức) vào sáng ngày 15/10/2023 (nhằm ngày 01/9/Quý Mão).
Lễ Hằng thuận là một nét đẹp trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Với mong muốn xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bền vững, những năm gần đây, nhiều đôi bạn trẻ đã lựa chọn tổ chức lễ Hằng thuận tại các ngôi chùa mà mình tới lui quy y và tu học.
Buổi lễ Hằng thuận sáng nay của Tân lang Nguyễn Trọng Nhân kết duyên cùng Tân nương Huỳnh Trâm Anh có sự chứng minh và tham dự của Hòa thượng Thích Đạt Niệm – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN thành phố Thủ Đức, Viện chủ chùa Pháp Trí; Hòa thượng Thích Minh Truyền – Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức, Trụ trì tịnh thất Thiên Đức; Thượng tọa Thích Quảng Huệ – Trụ trì tịnh thất Niệm Phật.
Về phía chư Ni có Ni trưởng Thích Nữ Giác Thành – Cố vấn PBNG TP.HCM, Chứng minh PBNG TP.Thủ Đức, Cố vấn chùa Vạn Hạnh; Ni trưởng Thích Nữ Giác Trung – Phó BTS kiêm Trưởng PBNG TP.Thủ Đức, Trụ trì Ni viện Vạn Hạnh cùng chư Tôn đức Ni tại bổn tự.
Về phía quan viên hai họ có Gia đình nhà trai ông Nguyễn Trọng Quý và bà Nguyễn Thị Ngà là cha mẹ của chú rể; Gia đình nhà gái ông Huỳnh Đức Nghĩa và bà Trần Mỹ Ngọc là cha mẹ của cô dâu. Bên cạnh đó còn có bà con hai họ cùng bạn bè thân quyến của cô dâu chú rể.
Buổi lễ được bắt đầu với nghi thức niêm hương, đảnh lễ Tam Bảo; sau đó đại chúng cùng trì tụng Kinh Phước Đức thực hiện nghi thức sái tịnh.
Dưới sự chứng minh của Tam bảo cùng sự có mặt của họ hàng hai bên, đôi tân lang và tân nương đã thực hiện những nghi lễ truyền thống như lễ bái Tam bảo, lễ bái cha mẹ hai bên và cùng phát nguyện trọn đời chung sống theo những nguyên tắc đạo đức mà đức Phật đã dạy.
HT.Thích Minh Truyền đã nói lên ý nghĩa của cặp nhẫn: “Đây là món trang sức quý giá biểu thị đạo lí hôn nhân tên là nhẫn, đeo ở ngón tay để hai con luôn nhìn thấy nhằm nhắc nhở những điều như sau:
Thứ nhất: nhẫn có ý nghĩa là nhưỡng nhịn muốn trong nhà vui vẻ đậm ấm hạnh phúc trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau không nên hơn thua lời qua tiếng lại.
Thứ hai chiếc nhẫn hình tròn tiêu biểu cho phước báu, tiền của đầy đủ, nhà đất thịnh vượng, muốn được như thế vợ chồng siêng năng làm việc giành dụm tiền bạc chi tiêu chừng mực, không được phung phí, ngoài ra phải biết san sẻ cứu giúp cho người nghèo được như vậy mới được hưởng phước báu lâu dài.
Thứ ba chiếc nhẫn này được làm bằng chất liệu vàng. Vàng có đặc tính là tùy duyên bất biến. Nghĩa là hình dáng có thể thay đổi nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo hay kéo dài can mỏng đi nữa, hình dáng có thể thay đổi nhưng tính chất giá trị của vàng cũng nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế, khi chung sống bên nhau dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải giữ vẹn lòng chung thủy trước sau như một. Cố nhân có dạy: “ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh” đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi tiền của, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ..v..v… mà thay đổi lòng dạ. Ngoài ra chất vàng có đặc tính là màu sắc tươi đẹp, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng như vậy, đã thề nguyện chung sống bên nhau dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa hoặc mai kia có già yếu bệnh tật nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải mặn nồng như thuở ban đầu mới cưới nhau. Chính vì những lí do trên, đôi nhẫn này có ý nghĩa rất thiêng liêng, phải biết giữ gìn nó làm kỉ niệm, xem nó là món quà hết sức quý báu.
Tiếp đó, HT.Thích Đạt Niệm răn dạy về đạo lý Ngũ đức của vợ đối với chồng và Ngũ đức của chồng đối với vợ và bổn phận làm con trong gia đình. Từ đó để đôi vợ chồng biết cách sống ân nghĩa, thủy chung son sắt, làm việc thiện theo lời Phật dạy mà còn biết hiếu kính ân dưỡng dục của hai đấng sinh thành. Tạo dựng nên cuộc sống gia đình hạnh phúc, hòa thuận, góp phần làm tươi đẹp cho xã hội.
Tại buổi lễ, đôi bạn trẻ dâng lời phát nguyện cùng chia bùi sẻ ngọt trong mọi thuận nghịch, thăng trầm của cuộc sống, hiếu thảo với cha mẹ hai bên, hoà thuận với anh em, cùng nhau sống thiện lành bằng Năm nguyên tắc đạo đức Phật dạy, để xứng đáng là đệ tử Phật, là con cháu dòng dõi Rồng Tiên.
Trong buổi lễ đại diện hai bên gia đình thân phụ của chú rể và thân phụ của cô dâu đã kính lời tri ân đến chư Tôn đức và có lời nhắc nhở răng dạy đến các con đối với đạo nghĩa vợ chồng trong đời sống hằng ngày.
Cũng tại buổi lễ cô dâu chú rể được HT.Thích Đạt Niệm trao nhẫn sau khi đã được chú nguyện và Ni trưởng Thích Nữ Giác Trung trao Giấy Chứng nhận lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ.
Một số ảnh khác được ghi nhận tại buổi lễ:
Trung Thắng