TP.HCM: Lễ húy kỵ lần thứ 33 cố HT. Thích Huệ Hưng

2

PSO – Sáng ngày 18/2/2023 (nhằm ngày 28 tháng Giêng năm Quý Mão), tại tu viện Huệ Quang (quận Tân Phú, TP.HCM) Môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 33 cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng khai sơn tu viện Huệ Quang.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: HT. Thích Như Tín, Ủy viên Thường trực HĐCM; HT. Thích Tịnh Hạnh, HT. Thích Thiện Xuân – đồng Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thiện Tánh – Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Thiện Đức – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó trưởng BTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát Phật giáo TP.HCM cùng chư Tôn đức HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, quận Tân Phú đồng tham dự.

Sau khi Ban Kinh sư thực hiện nghi thức khai kinh bạch Phật và cung tuyến Giác linh. Chư Tôn Hòa thượng Chứng minh, chư Tôn đức Tăng Ni vân tập về Tổ dường, chính thức làm lễ tưởng niệm lần thứ 33 cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng.

Tại buổi lễ, thay mặt môn đồ pháp quyến, TT. Thích Chơn Nghĩa cung tuyên tiểu sử, ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Huệ Hưng đã dành cho Đạo pháp.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Hưng, húy Ngộ Trí thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc). Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Chẩm, sanh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ngài là con trưởng trong gia đình gồm bảy anh em, ngài dìu dắt các bào đệ, bào muội bước vào lộ trình giải thoát như: HT. Thích Huệ Viên, HT. Thích Minh Cảnh, Ni sư Thích Nữ Như Trí, Ni sư Thích Nữ Như Diệu.

Năm Quý Mùi (1943), Tổ Vạn An biết ngài là bậc pháp khí Đại thừa, bèn quyết định cho thọ Tỳ-kheo Bồ-tát giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long.

Sinh tiền, Ngài được GHPGVN suy cử đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó ban Trị sự Phật giáo TP.HCM (1982), Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN (1987). Ngài cũng được cung thỉnh làm Hoà thượng A-xà-lê tại nhiều đại giới đàn, cũng như Thiền chủ tại các trường hạ. Cố Hoà thượng cũng là người khai sáng và làm viện chủ tu viện Huệ Quang, Giám đốc Phật học đường Huệ Quang.

Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục tại miền Nam. Ngài thật xứng đáng là một Luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của Tăng Ni, Phật tử miền Nam nói riêng.

Trong sự nghiệp tham thiền và giảng dạy, Hòa thượng đã phiên dịch nhiều kinh tạng như: Kinh Duy Ma Cật, Kim Cang giảng lục, Lược sử Đức Lục tổ, Kinh Phạm Võng Hiệp Chú,…

Trưởng lão Hòa thượng thu thần viên tịch vào ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (nhằm ngày 23/2/1990). Trụ thế 74 năm, 46 năm hạ lạp. Bảo tháp ngài được xây dựng tại chùa Đại Tòng Lâm (tỉnh BR-VT).

Trước di ảnh Trưởng lão Hòa thượng tại Tổ đường tu viên Huệ Quang, chư Tôn đức giáo phẩm thành kính dâng hương cúng dường Giác linh, đảnh lễ tri ân công đức bậc tòng lâm thạch trụ một thời của Phật giáo Việt Nam. Đồng nhất tâm cầu nguyện đến Giác linh Trưởng lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc, quả chứng vô sanh, tái hiện ta bà nhiếp chúng độ sanh.

Dịp này, môn đồ pháp quyền đã thiết lễ trai tăng, thành kính tác bạch cúng dường chư Tôn đức hiện tiền chứng minh, sau đó hồi hướng công đức thù thắng này lên Giác linh Tôn sư để thể hiện lòng tri ân của người đệ tử.

Lâm Huy