Từ sáng sớm ngày trăng tròn đầu tiên của năm Quý Mão, ngày 5/2/2023 (nhằm ngày 15/1 năm Quý Mão), tại khu vườn thiền thanh mát của Chùa Pháp Tạng (C3/8 Lê Đình Chi, ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), quý thiện nam tín nữ gần xa đã tụ hội về làm những công đức lành, cầu mong gia đạo bình an, vạn sự thắng duyên.
Rằm Tháng Giêng, hay còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Trong tiếng Hán, “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm.
Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên trong năm. Vì thế, ngày rằm tháng Giêng còn được gọi là lễ Thượng nguyên, bên cạnh Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười).
Không chỉ là ngày Rằm đầu tiên của năm, đối với truyền thống văn hoá của dân tộc Việt thì Tết Nguyên Tiêu còn là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Trong ngày này, nhiều gia đình thường dâng lên gia tiên, Cửu huyền Thất tổ mâm cơm tri ân. Đồng thời, nhớ ân Phật, người người đến chùa làm các việc thiện lành, phóng sanh, bố thí, cúng dường, lễ Phật,… cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Dư âm của những ngày Tết như vẫn còn đong đầy, khách thập phương đã về viếng chùa, ghi lại những bức hình lưu niệm vui tươi bên người thân và bè bạn trong khuôn viên chùa Pháp Tạng.
Mở đầu cho chuỗi chương trình ngày Rằm đầu tiên của năm, Đại đức Thích Trí Huệ đã triển khai khoá lễ phóng sanh, đưa các loài chim muông, thuỷ tộc về chốn an vui.
Những lời khai thị đầu năm ý nghĩa, chân tình về các công đức ngày Sóc – Vọng, đặc biệt là ngày Rằm đầu tiên của năm đã được Đại đức tán thán, chúc cho quý Phật tử giữ vững và tăng trưởng những thiện hạnh. Đó là chiếc áo giáp sắt vô hình che chở, trợ duyên cho mọi sở cầu sở nguyện được thành tựu, tạo nên công đức cho thân an tâm lạc đúng tinh thần nhà Phật.
Nhìn những loài thuỷ tộc đang tranh giành sự sống, Đại đức khuyến tấn mọi người gắng công sống có ích, nương theo Tam Bảo để thoát tử sanh. Bởi sanh chúng cứ mãi loay hoay trong biển đời khổ ải, bị tâm tham ái, si mê dày vò, đốt từ vô thỉ đến nay, che lắp đi chánh kiến, chúng sanh mãi trong cảnh khổ mà ngỡ mình vui, cho nên khi đoạ lạc rồi thì rất khó có cơ hội tiến hóa để thay đổi cảnh giới.
Những câu đối bằng giấy đỏ, mực tàu được ông đồ bày ra một góc khuôn viên được lữ khách viếng chùa vô cùng thích thú, tái hiện lại nét đẹp tinh hoa dân tộc Việt. Đây là hoạt động thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức. Qua đó còn thể hiện ước nguyện đầu năm, tâm tư của mỗi người như mong muốn xin con chữ lấy may hay cầu tài lộc, phúc thọ.
Ý nghĩa hơn, những câu chúc xuân ấy vào cửa Thiền lại càng trở nên thấm đẫm thi vị thiền môn. Những câu chúc mộc mạc đời thường đã trở thành những câu nói đạo lý, mang thông điệp từ bi, trí tuệ nhà Phật, nhắc nhở người sống Đạo đức, tích phước, lợi lạc quần sanh, hướng về những giá trị chân thật.
Thời khoá thuyết giảng về Quả Báo của Bốn Hạng Người được quý khách hành hương đón nhận vô cùng hoan hỷ, cụ thể là người:
– Đời này khổ, đời sau khổ
– Đời này khổ, đời sau sướng
– Đời này sướng, đời sau khổ
– Đời này sướng, đời sau sướng.
Đúng như câu thơ: “Chỉ có tu mới luyện thành tánh chất, Bình – An – Khang là báu vật trân châu…” Những ai nương về thuyền Bát Nhã, gắng miệt mài tích đức hành thiện, sống đời tỉnh thức thì sẽ được báu vật đó trong hiện đời và muôn kiếp về sau. Tư lương của mỗi người là khác nhau, nhưng xuất phát điểm đều là điểm tựa tâm linh, đặc biệt là nương tựa về Tam Bảo.
Sau thời pháp thoại, khoảng 300 thiện nam tín nữ đã phát tâm quy y Tam Bảo trở thành người con Phật, trì ngũ giới, phát tâm sống đời thiện lành, nương về bến giác thoát vòng tử sanh.
Cùng ngày, chùa Pháp Tạng tổ chức khoá lễ cầu an, cầu siêu, hồi hướng công đức cho quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, chúng sanh an lạc được sự tham dự của đông đảo quý Phật tử gần xa.
“Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, lại thêm sự hoan hỷ của nụ cười Đức Di Lặc Tôn Phật càng khiến cho lữ khách về chốn thiền môn thêm an tịnh. Không chỉ có mùa xuân ngoại cảnh mới đem đến an lạc, mà khi chúng ta có tu tập, tinh tấn trải qua sự khổ luyện như bông mai trong câu thơ của Ngài Mãn Giác Thiền Sư: ‘Cứ ngỡ xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai’ – Cũng như để có cành mai tươi thắm, những nụ hoa phải chịu đựng sự giá lạnh – cành mai đó tượng trưng cho sự an lạc – và chính nơi đó là cõi xuân. Cầu mong người người, nhà nhà đều hướng về sự thiện lành, phát tâm đoạn ác dương thiện để bốn mùa đều là cõi xuân…”
Sau đây là những hình ảnh được ghi nhận:
Ban TTTT chùa Pháp Tạng