Vĩnh Phúc: Pháp vương Gyalwang Drukpa chủ trì pháp hội Đại Bi Quan Âm ở Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên

7

PSO – Sáng ngày 27/1/2023 (nhằm mùng 6 Tết Quý Mão), Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa chủ trì pháp hội Đại Bi Quan Âm cầu quốc thái dân an theo nghi lễ Phật giáo Kim cương thừa tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Từ sáng sớm, hàng ngàn Phật tử từ TP. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vượt giá rét khoảng 12 độ C đến Tây Thiên để tham dự pháp hội Đại Bi Quan Âm, cầu nguyện năm mới thái bình, an lạc.

Đông đảo Phật tử vân tập về Bảo tháp Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc

Pháp vương Gyalwang Drukpa là người đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa và sau bốn năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, đây là lần thứ 11 Ngài tiếp tục trở lại Việt Nam. Được biết, từ ngày 26/1 đến 10/2/2023, Pháp vương sẽ cử hành nhiều Phật sự tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Phú Thọ với ước nguyện mang đến may mắn cho đất nước, con người Việt Nam.

Mở đầu chuỗi hoạt động, triển lãm Pháp vũ rồng thiêng đã khai mạc chiều 25/1 và kéo dài tới 10/2 tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên. Triển lãm có 324 hình ảnh chia thành 15 chủ đề, điểm lại hành trình 15 năm gieo duyên Phật pháp của Pháp vương cùng Tăng đoàn với Phật tử Việt Nam.

Chư Tăng và khách mời tham quan triển lãm Pháp vũ rồng thiêng

Thượng tọa Thích Thanh Lâm – Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc tin rằng qua các hình ảnh, nhiều người sẽ cảm nhận được tình cảm của Pháp vương Drukpa với người dân Việt Nam và ngược lại.

Dịp này, Pháp vương cùng Tăng đoàn khai mở bức đại Thongdrol Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay kích thước 12×16 m. Bức tranh thêu gấm được Pháp vương tặng Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên năm 2017, hiện là tranh Phật lớn nhất Việt Nam và được khai mở mỗi lần tổ chức Pháp hội.

Đức Drukpa lý giải tranh Phật Quan Âm ngàn tay ngàn mắt với ngàn cánh tay tượng trưng cho hành động tốt đẹp, còn ngàn mắt thể hiện những quan kiến (nhìn thấy) tích cực. Ngàn tay ngàn mắt là sự kết hợp của suy nghĩ lẫn hành động tốt lành vì chúng sinh. Những cánh tay cầm chuỗi tràng ngọc quý, hoa sen, bảo bình, cung tên… mỗi vật lại tượng trưng cho lòng từ bi, thương yêu đại chúng.

Khai chuông và phát biểu khai mạc Pháp hội, Pháp vương Drukpa nhấn mạnh, đây là thời điểm linh thiêng đầu năm mới với năng lượng tốt lành, mang bình an đến mọi nhà. Ngài gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, chư Tăng Ni và Phật tử đã chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ.

Pháp vương cắt băng khai quang các đường vi nhiễu Phật Uyển quanh Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên.

Tiếp theo đó, Pháp vương cùng Tăng đoàn và Phật tử đi nhiễu bốn vòng quanh Đại Bảo tháp. Theo Pháp vương, thân thể con người cũng tạo thành từ năm yếu tố tương ứng, khi đi nhiễu quanh Đại Bảo tháp với niềm tin, tâm lành, trí thành sẽ giúp con người có thể nuôi dưỡng và đón nhận nguồn năng lượng tích cực từ đất trời.

Năm đường nhiễu với màu sắc xanh dương, xanh lục, đỏ, trắng và vàng tạo thành các vòng tròn đồng tâm bao quanh Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên tượng trưng cho năm yếu tố đất, nước, gió, lửa và hư không.

Tại Pháp hội, Pháp vương để lại thủ ấn (dấu tay, chữ ký) tiếp tục gia trì cho các công trình tâm linh đang hoàn thiện trong khuôn viên Đại Bảo tháp.

Ngài nhấn mạnh tinh thần Phật giáo quan niệm cuộc đời con người bình an hay đau khổ do chính nghiệp và hành động trong quá khứ tạo ra. Tạo nghiệp chướng thì thế giới bất an, đầy đau khổ và ngược lại. Tất cả đều nằm trong tầm tay của chính con người.

Đức Pháp vương Drukpa và Tăng đoàn làm lễ thỉnh nhập, khai quang tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao hơn 3 m, là phiên bản đặc biệt của tượng Phật trong Tự viện Hemis (Ladakh) cổ kính và danh tiếng vùng Himalaya.

Bà Lê Thị Bảy (82 tuổi) cùng đoàn Phật tử xuất phát từ Hà Nội lúc 5h lên Tây Thiên dự Pháp hội. Cụ Bà du xuân, lễ Phật đầu năm mới với ước nguyện “có sức khỏe cho gia đình, quốc thái dân an, trăm họ no ấm, không có chiến tranh, hận thù”.

Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên cao 37 m được xây dựng trên diện tích 1.500 m2 dưới chân núi Thạch Bàn, thuộc khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình. Đây là công trình đầu tiên được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật Mandala Phật giáo Kim cương thừa ở Việt Nam. Bảo tháp và tượng Phật đều quay về phương Nam với mong muốn năng lượng tốt lành lan tỏa, trải dài về hướng đó.

Công trình có lối bài trí thể hiện sự hội tụ của 10 phương chư Phật, kiến trúc đặc trưng thể hiện 5 loại trí tuệ của Phật tương ứng với 5 tháp gồm một tháp trung tâm hình vòm và bốn tháp nghìn Phật, xung quanh là 16 Bồ tát cúng dường.

Đại bảo tháp Tây Thiên

Mái vòm trung tâm có phần chóp dựng thẳng là kiến trúc đặc trưng của Đại Bảo tháp Kim cương thừa. Nơi này đặt xá lợi Phật cùng tượng Phật có niên đại khoảng 2.000 năm.

Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần một nghìn năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan… Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.

Pháp vương Gyalwang Drukpa sinh năm 1963 trong gia đình hành giả Kim cương thừa có dòng dõi tôn quý. Bốn thập niên truyền giảng Phật pháp toàn thế giới, ngài khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, thúc đẩy nhiều nhóm việc thiện nguyện liên quan bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế và bảo tồn di sản. Pháp vương được Liên Hợp Quốc tôn vinh với các giải thưởng: Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Bậc bảo hộ vùng Himalaya, …

https://video.vnexpress.net/embed/v_371126

Nguồn: vnexpress.net